Tiếng Việt

Xuất khẩu lao động những tháng cuối năm 2019: Thị trường Nhật Bản nhiều đơn hàng cho lao động lựa chọn

30/12/2019

(BGĐT) - Theo thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước, 10 tháng đầu năm 2019 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 118.030 lao động, đạt 98% kế hoạch năm, trong đó lớn nhất vẫn là thị trường Nhật Bản với 61.937 lao động, Đài Loan: 45.390 lao động, Hàn Quốc: 6.545 lao động và một số thị trường khác. Đây được xem là tín hiệu tốt trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, đồng thời mang về nguồn ngoại tệ lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong 2 năm trở lại đây, Nhật Bản đã vượt qua các thị trường truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc, bởi nhu cầu lao động đang thiếu tại nước này, cùng với đó là mức lương cho thực tập sinh được cải thiện rõ rệt. 

Sôi động nhất vào dịp cuối năm, đây là thời điểm các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu năm tài khóa mới và tích cực tuyển chọn lao động nước ngoài. 

Đối với người lao động, làm việc tại Nhật Bản không chỉ là cơ hội kiếm tiền mà còn là bước tiếp thu công nghệ, học việc định hướng dài hạn.

Cuối năm là thời điểm vàng để đi xuất khẩu lao động

Khác với Việt Nam người Nhật ăn tết dương lịch và thời gian khá ngắn nên hầu như không ảnh hưởng đến quá trình tuyển chọn lao động. 

Cuối năm là thời điểm phía doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng khá nhiều để họ có thể bắt đầu đón lao động sang làm việc trong đầu năm sau. 

Ảnh: Người lao động trước giờ thi tuyển đơn hàng.

Thông thường những tháng cuối năm, tâm lý chung của người lao động Việt chưa muốn tham gia xuất khẩu lao động bởi muốn ăn xong tết rồi tính tiếp. 

Điều này khiến số lượng tham gia trong năm khá ít, cùng với số lượng đơn hàng nhiều nên người lao động tham gia trong thời gian này có nhiều sự lựa chọn, tìm được đơn hàng tốt nhất, phù hợp với khả năng, kinh nghiệm và trình độ của mình.

Theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời điểm này, doanh nghiệp nhận được số lượng đơn hàng cần tuyển gấp 3-4 lần so với những tháng trước kia, và tỷ lệ chọi giảm hơn rất nhiều, có thể 2 lấy 1, hoặc 3 lấy 2. 

Tỷ lệ chọi thấp đồng nghĩa với việc thi tuyển đơn hàng trở nên dễ dàng hơn, người lao động dễ trúng tuyển hơn, không phải chờ đợi lâu.